AT - Khiêu vũ tưởng chỉ là đề tài thu hút các bậc trung niên, nhưng không hẳn vậy. Các bạn trẻ U30, trong đó có sự góp mặt của một lượng lớn các bạn sinh viên, cũng đang mê mẩn với "món" khiêu vũ đang ngày trở nên thời thượng này.
Khiêu vũ để không những... mà còn...!
Hỏi mục đích của việc đăng ký học khiêu vũ, câu trả lời mà tôi nhận được khá phong phú. Bạn Loan Chi, SV năm 4 ĐH Khoa học tự nhiên, đến với lớp học chỉ vì niềm đam mê khiêu vũ. Chi cho biết: "Người ta nói con gái học Khoa học tự nhiên thường không được duyên dáng, thùy mị... Điều này là vô căn cứ. Vì bản thân mình rất thích mỗi tối được mặc áo đầm, mang giày cao gót... để du dương cùng những điệu nhạc. Và mình đến với lớp là để chứng tỏ con gái Tự nhiên cũng duyên dáng như ai!".
Hiện Chi đang học lớp khiêu vũ tại một trung tâm ở thành phố Hồ Chí Minh, mỗi tối bạn đến lớp với áo thun, váy xòe màu sặc sỡ. Nhìn cô bạn bước những bước, xoay những vòng xoay cũng nhẹ nhàng và điêu luyện như ai!
Câu trả lời khác là các bạn khiêu vũ để vận động chân tay sau một ngày ngồi trên giảng đường hoặc công sở, kế tiếp là lý do khiêu vũ vì nhu cầu của công việc cần giao tiếp với đối tác khi đối tác mời đi khiêu vũ... Bạn Nguyễn Dũng, một cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế, bằng kinh nghiệm cá nhân đã tiết lộ: "Tôi nhìn thấy trong ánh mắt của phân nửa các bạn nữ lớp mình là mong ước tìm được "một nửa" còn lại của mình!".
Lời nhận định của Dũng ngay từ ngày đầu đi học quả nhiên không sai, bởi có dịp cả lớp khiêu vũ II chúng tôi gặp gỡ thân mật ngoài giờ thì nhất loạt các bạn nữ đều mang đến một thông điệp ngầm trong tiết mục tự giới thiệu: "Tớ đã yêu rất nhiều nhưng nhận chẳng được bao nhiêu! Bây giờ thì vẫn... cô đơn!". Và vì vậy, có thể khẳng định một nguyên nhân không kém phần quan trọng "lôi kéo" các bạn, đặc biệt là các bạn nữ đến với lớp khiêu vũ là để mở thêm một "kênh" giao lưu, tìm kiếm... tri kỷ!
Nhưng cũng có bạn vì tò mò hoặc bị rủ rê, lại có bạn đi vì khoảng thời gian buổi tối rảnh rỗi không biết làm gì, nên đi khiêu vũ cho đỡ buồn. Khi đã đi học khiêu vũ không ai có cảm giác mình vừa làm một việc không đúng đắn, ngược lại các bạn đều nhận ra mình sẽ có được nhiều lợi ích từ khiêu vũ... Vì vậy, việc tham gia, đeo bám các lớp khiêu vũ này với các bạn đã không dừng lại ở lý do ban đầu.
Bạn Thanh Sơn, SV năm 4 khoa kiến trúc, ĐH Hồng Bàng, khoe: "Một lần nghe người bạn rủ rê nên đăng ký lớp học này. Không ngờ mình cũng bị hút hồn. Cũng có lúc việc học bị gián đoạn vì công việc, nhưng sau khi công việc kết thúc mình lại đăng ký học. Tự dưng khi nghỉ lại cảm thấy nhớ và muốn quay trở lại gắn bó với lớp!".
Chuyện "đào" chuyện "kép"
100% các lớp học khiêu vũ thường mở đầu một cách rầm rộ với số lượng các bạn nữ (đào) chiếm quá bán so với nam (kép). Đó là nguyên nhân khiến các đấng nam nhi trong các lớp khiêu vũ luôn "đắt show". Chính đó cũng là nguyên nhân khiến việc học khiêu vũ của các bạn nữ trở nên một thách thức, nếu như bạn nữ thuộc tuýp người quá bẽn lẽn, hay e thẹn, không đủ can đảm chủ động mời kép nhảy thực tập với mình.
Bởi sau những buổi đầu tiên học đơn, bước sang nửa cuối lớp I là các bạn bắt đầu ghép đôi. Trong khi lượng kép luôn ít hơn đào nên đòi hỏi các đào phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, thậm chí phải chủ động tìm kép cùng khiêu vũ với mình! "Nếu bạn nữ nào không mạnh dạn ngay từ những lần "lên tay" đầu tiên, bạn sẽ trở thành kẻ đơn côi ngay trong lớp học... Nhiều lần như vậy, nếu vẫn không đủ mạnh dạn chủ động mời các bạn nam thì giải pháp cuối cùng của bạn sẽ là "trốn" học, một đi không trở lại!" - cô H., giáo viên có kinh nghiệm dạy khiêu vũ tại Cung văn hóa Lao động TP, chia sẻ.
Một thực tế đã diễn ra trong các lớp học khiêu vũ - điều khó tránh khỏi là với những đào có ngoại hình một chút, duyên dáng một chút sẽ trở thành "đích ngắm" để các kép "nhăm nhe" mời nhảy.
Có trường hợp đào "bị” nhận được sự quan tâm quá nồng nhiệt của những kép mà mình không ưa thích, khiến các bạn này phải khó xử! Như trường hợp của N.T.P với vóc dáng cao ráo, mảnh mai, khuôn mặt dễ thương cùng đôi kính cận đã "bị” một kép trong lớp săn đón quá đặc biệt, đến mức ngay trong giờ giải lao kép kia cũng sẵn sàng mời nhảy ôn bài. Cuối cùng, N.T.P phải xin chuyển thời gian học sang ca khác để thoát khỏi sự săn đón không mong đợi!
Ngược lại với một đào kém nhan sắc (quá mập, quá ốm), sẽ không có được sự tự tin cần thiết để chiếm lấy kép nam về phần mình, họ thường bị bỏ rơi trong những giờ lên tay ráp nhạc. Do đó ở các lớp khiêu vũ càng học lên cao thì số lượng các đào càng "teo" lại. Sự rụng rơi của các đào nhiều khi đột ngột đến mức bước qua lớp cao hơn một bậc sẽ xảy ra hiện tượng đổi chiều: "dương thịnh âm suy". Khi ấy, yêu cầu đặt ra với các kép là tính chủ động bắt cặp với các đào theo tiêu chí lâu dài.
"Phải xin số điện thoại của đào, trước khi đi học phải phone cho "nường" xem tình hình "nường" có đến lớp được hay không, tránh tình trạng lên lớp mà không có đào, đứng trơ trọi hết buổi cũng buồn!" - Quang Huy, một học viên chia sẻ kinh nghiệm.
Cũng có nhiều trường hợp các kép mặt non choẹt, dáng người trẻ và thanh lịch nhưng do không mạnh dạn mời các đào xinh đẹp lên tay nên lập tức "bị” các đào có vóc dáng và tuổi tác không tương xứng mời nhảy... "Nhưng thường các đào lớn tuổi khiêu vũ rất điệu nghệ do đã biết từ trước, họ đến lớp chỉ để ôn luyện và thư giãn là chính. Khiêu vũ với họ nếu mình có những bước sai sẽ được chỉnh sửa rất nhiệt tình!" - một nam học viên cho hay.
Những kinh nghiệm bỏ túi
Theo tiết lộ của các giáo viên, đầu năm là thời điểm các lớp khiêu vũ luôn bị quá tải vì lượng đăng ký theo học đông đảo. Và tình hình ngược lại với các lớp mở vào khoảng cuối năm. Do đó, muốn học ở những lớp được thầy cô chỉ bảo tận tình, chăm chút cho từng bước nhảy, bạn có thể tham gia học các lớp mở ra trong khoảng thời gian cuối năm.
Một kinh nghiệm khác là bạn phải tranh thủ mọi thời gian đến lớp sớm và thường xuyên. Bởi lẽ khi học càng cao, các bước nhảy càng trở nên phức tạp, nhiều điệu nhảy rumba, chachacha... cứ na ná nhau, rất dễ lẫn lộn. Đi sớm, đi đều đặn để được hướng dẫn, ôn tập một cách bài bản, bạn mới có thể nắm bắt kịp bài học của các lớp. Đã có không ít bạn phải chấp nhận rớt lớp, học lại vì lỡ nghỉ học mất vài buổi, khi đi học lại thấy bạn mình nhảy, còn mình đứng ngẩn người đến hoa mắt, chóng mặt!
Học phải đi đôi với hành. Trong những giờ phút thực hành ráp nhạc trên lớp bạn tuyệt đối không được lười biếng. Luyện tập thực tế là cách duy nhất để đôi chân, những bước nhảy và những cái lắc hông của bạn được mềm mại, chuyên nghiệp. "Ngày nào mình nhảy nhiều đến mức mồ hôi ướt hết áo, ngày đó mình cảm thấy thoải mái, mà lại nhớ bài, về nhà không cần phải tự tập một mình như người dở hơi..." - bạn Thu Thủy, một giảng viên trẻ, tâm sự.
Một kinh nghiệm không thể quên dành cho cả đào và kép là hãy chủ động mời bạn nhảy. Bạn sẽ ngay lập tức bị cô lập, dẫn đến buồn chán nếu đi học nhảy mà phải bước một mình..., rất dễ dẫn đến việc phải nghỉ học giữa chừng!
VŨ THÀNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét